Nuôi con bằng sữa mẹ vừa kinh tế, bảo đảm dinh dưỡng, vừa phòng tránh được một số bệnh mạn tính cho trẻ. Ảnh: Kiên Giang |
Để làm rõ giá trị kinh tế của SM, thông thường người ta tính tổng lượng sữa mà các bà mẹ đang nuôi con sản xuất được ở một quốc gia trong một năm (tính theo trọng lượng -kg, hoặc lít) dựa trên số lượng các bà mẹ đang nuôi con nhỏ và dựa trên lượng sữa trung bình mà một trẻ có thể bú trong một ngày. Ví dụ: ở Úc (với khoảng 250.000 trẻ sinh/năm), khoảng 33 triệu kg sữa mẹ được sản xuất/năm. Ở Philippin (khoảng 2 triệu trẻ sinh/năm), lượng SM sản xuất ra có thể cao gấp 10 lần so với ở Úc. Làm phép tính nhân cho giá trị thương mại của một lít sữa mẹ đang được trao đổi mua, bán trên thị trường thực tế, sẽ ra giá trị tiền của tổng lượng SM.
Giá của SM là bao nhiêu trên thị trường hiện nay? Xin cung cấp một vài con số mà các chuyên gia đã cung cấp trong hội nghị tư vấn kể trên. Ở thị trường châu u, một lít SM có giá khoảng 50 USD. Ở Mỹ, các bệnh viện phải mua SM để nuôi các trẻ sơ sinh non tháng với giá khoảng 65 USD/lít. Cũng ở Mỹ, giá thuê người cho bú (vú em) cho một em bé khoảng 1000 USD/tuần. Với Việt Nam, các thông tin trên có vẻ lạ, nhưng chúng không còn là lạ với nhiều nước trên thế giới. Những thông tin này rất thường được tìm thấy trên mạng internet. Với cách tính toán như vậy, SM có giá trị khoảng 2 tỷ đô (Úc)/năm ở nước Úc; và khoảng 44 tỷ đô (Úc)/năm ở Philippin. Ở một số nước như Na Uy, SM chính thức được đặt trong danh mục thống kê các sản phẩm sản xuất được của quốc gia!
Trong một ước tính của nhóm công tác gồm các chuyên viên của Viện Dinh dưỡng - Bộ Y tế, Tổng cục thống kê năm 2006 với hỗ trợ của UNICEF Việt Nam, tổng giá trị sữa mẹ của các bà mẹ Việt Nam ước tính khoảng 549 triệu USD/năm! Rất tiếc là khoảng một nửa trong số đó đã bị mất đi do nuôi con bằng sữa mẹ không đúng cách. Ví dụ không cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn thức ăn thay thế, cai sữa sớm...
Một cách nữa giúp nhận ra giá trị kinh tế của SM, đó là ước tính các chi phí gia tăng mà xã hội phải gánh để chữa trị các bệnh mạn tính đang có xu hướng phát sinh nhiều hơn. Tính toán năm 2001 ở Úc, cho thấy nước này phải chi phí khoảng 3 triệu đô la (Úc) cho các bệnh mạn tính như tim mạch, cao huyết áp, béo phì, bệnh tiểu đường, và các bệnh nhiễm trùng hô hấp... mà các bệnh này nguy cơ mắc có thể giảm bớt từ 9-24% nếu những tháng đầu của thời thơ ấu, mọi người đều được nuôi bằng SM!
Ở Việt Nam, các chuyên gia cũng ước tính khoảng 10 triệu USD/năm bị mất đi do chi phí gia tăng cho các loại ốm đau bệnh tật ở trẻ do không được nuôi bằng SM.
Giá trị kinh tế của SM cũng dễ nhận thấy bởi chính từng bà mẹ thông qua các chi phí hằng tháng mà họ phải dùng để mua sữa hộp thay vì nuôi con bằng SM. Chi phí này ở Úc khoảng 100-200 triệu đô (Úc) mỗi năm. Ở Philippin, để nuôi một trẻ ăn nhân tạo trong một tháng, bình quân phải tốn đến 4,000 pe-so/tháng (tương đương 106 đô Úc), chiếm khoảng từ 30-40% của thu nhập của gia đình bình thường. Không nuôi con bằng SM, chi phí mua sữa cho trẻ ăn tiêu tốn của nước này khoảng 465 triệu đô (Úc) mỗi năm.
SM & nuôi con bằng SM rõ ràng không rẻ vì bà mẹ cần được gia đình và xã hội chăm sóc về ăn uống, nghỉ ngơi, tình cảm và thời gian để thực hiện việc cho con bú mẹ thành công theo đúng nghĩa của từ này. Nhưng nuôi con bằng SM là an toàn, là cách nuôi chuẩn mực nhất vì sức khỏe và sự phát triển của mỗi đứa trẻ trong tuổi bé thơ, và kể cả sức khỏe trong tuổi trưởng thành của bé mai sau.
Quang Minh